Khách được ngồi thuyền xuôi dọc con sông dài chừng 3km, chảy men dưới chân dãy Trường Sơn với những ghềnh đá, rừng cây, bãi cát vắng lặng, hoang sơ.
Để đến sông Hầm Hô, bạn cần vượt quãng đường khoảng 50 km từ thành phố Quy Nhơn về hướng Tây Bắc. Tại ngã tư giữa quốc lộ 19 với đường Nguyễn Thiện Thuật ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, rẽ trái theo con đường bê tông uốn lượn.
Theo người địa phương, tên gọi Hầm Hô xuất phát từ hình ảnh những bãi đá lởm chởm như răng hô, răng nhọn chĩa lên. Cũng có người lý giải, tên gọi này khởi nguồn từ tiếng nước đổ vào hộc đá ngầm trên sông ồ ồ như tiếng hô.
Du khách tới đây thường ngồi đò chầm chậm theo dòng chảy nhỏ len dưới những tán cây xanh mát, đưa ra dòng chính Hầm Hô. Mỗi con đò chở được khoảng 7 người lớn.
Con sông Hầm Hô dài khoảng 3 km, là hợp lưu từ sông Cát và sông Đồng Hưu trước khi đổ vào sông Phú Phong (Bình Định). Chảy theo địa hình núi dốc nhưng do có lưu vực, sông như ngừng trôi, tĩnh lặng tựa mặt hồ, soi rõ bóng rừng cây, đồi núi hai bên bờ.
Khung cảnh tĩnh mịch, hoang vắng, rất hợp với những ai muốn tìm về để lắng lòng sau ồn ào phố thị. Vùng địa thế hiểm trở này từng là căn cứ địa của nghĩa quân Cần Vương thời kháng chiến chống Pháp.
Dọc bờ sông, cứ một đoạn lại có những lán, chòi được dựng bám bên triền đồi, ngay trên các bãi đá lớn, làm điểm nghỉ ngơi cho đội bảo vệ và khách tham quan.
Trừ cuối năm thường có mưa lũ, những thời điểm khác đều thuận tiện cho trải nghiệm đi đò, thư giãn, ăn uống, ngắm hoa rừng nở, nghe chim hót dưới vòm lá.
Dưới lòng sông có nhiều loại cá đặc trưng của miền cao Bình Định như cá trôi, cá ngựa, cá đá… Nơi đây có những món ngon như cá mương chiên cuốn bánh tráng rau sống, chim mía rô ti…
Sông có rất nhiều ghềnh đá, có chỗ đá ngầm lấp xấp dưới mặt nước, có nơi đá dựng đứng, có khi dãy đá bất ngờ hiện ra chắn ngang giữa dòng. Từ những sắp đặt này của thiên nhiên, người dân gọi thành tên như Đá Trải, Đá Dựng, Đá Thành, Đá Chùm…
Đi vào bằng đường thủy, nhưng khi trở ra khách sẽ đi bằng đường bộ ngoằn ngoèo dọc bờ sông. Đường rời khỏi rừng có đoạn đổ bê tông, có đoạn gồ ghề đất đá rễ cây, có đoạn lại mất hút xuống bãi cát hoặc bãi đá rồi mới có lối lên trở lại.
Võ Tiến
Tags: Dòng sông như trôi về thời tiền sử - VnExpress,